Frank Herbert
Franklin Patrick Herbert, Jr. (8/10/1920-11/2/1986) là nhà văn khoa học giả tưởng lừng danh người Mỹ, vừa được giới phê bình ca ngợi vừa rất thành công về mặt doanh thu. Văn nghiệp của ông đồ sộ và phong phú, ông viết nhiều, đa phần truyện ngắn, song kỳ vĩ nhất là đỉnh cao Xứ Cát cùng năm cuốn sequel của nó.
Frank Herbert sinh ngày 8/10/1920 ở Tacoma, bang Washington. Ông đi làm báo ngay từ năm 19 tuổi (ông phải nói dối tuổi mới được giao chỗ làm đầu tiên trong đời!) Ông sẽ còn tiếp tục làm báo trong phần lớn cuộc đời, ngay cả khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng. Tuy nhiên, bên cạnh viết báo, ông cũng bắt đầu viết lách, trong đó có một truyện phiêu lưu mạo hiểm được đăng trên tạp chí Esquire vào năm 1945 khi ông mới 25 tuổi.
Một năm sau, ông gặp Beverly Ann Stuart, bạn đời tương lai của ông, ở khoa viết văn của Đại học Washington - họ là hai người duy nhất trong lớp đã có tác phẩm được công bố cho tới thời điểm đó. Họ cưới nhau vào tháng 6 năm 1946, về sau họ có hai người con trai, trong số đó Brian Patrick Herbert (sinh 1947) sau này cũng là nhà văn bestseller và sẽ kế tục sự nghiệp Xứ Cát của cha mình.
Frank Herbert không tốt nghiệp đại học, bởi vì theo Brian, con trai ông, ông chỉ muốn học những gì ông quan tâm, thế nên ông không quan tâm đến chuyện phải hoàn tất mọi học phần quy định. Bỏ trường, ông quay lại nghề báo, làm việc cho các tờ Seattle Star và Oregon Statesman, cũng như viết bài và biên tập cho tạp chí California Living thuộc tờ San Francisco Examiner suốt cả một thập niên.
Dù vậy, viết về tiểu sử Herbert mà chỉ nhấn mạnh vào đời làm báo của ông thì sẽ không đầy đủ và đơn giản hóa. Ngoài làm báo, chụp ảnh, phát thanh viên, ông từng làm những nghề như "thợ lặn bắt hàu, chuyên viên hướng dẫn kỹ năng sống sót trong rừng rậm", những nghề không mấy liên quan đến văn chương. Tuy nhiên, dẫu cho cái tiểu sử “cần lao, thực tế, gần-mặt-đất” này của Herbert có thể khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp Raymond Carver - cũng chật vật đủ nghề để sống còn: gác cổng, thợ cưa, bảo vệ, giao hàng... -, song có lẽ không có gì khác nhau đến vậy giữa thế giới văn chương của hai tác gia đều cùng kiệt xuất đó. Cũng lạ - tuy nghĩ kỹ thì không lạ - rằng một con người từng lăn lộn với cõi thực tại như vậy rồi ra sẽ sống chết với một thế giới hoàn toàn khác, do chính mình tạo ra, một cách trọn vẹn đến vậy.
Năm 1947 Frank Herbert gửi truyện ngắn khoa học giả tưởng đầu tiên của mình là Looking for Something cho tạp chí Startling Stories. Sự nghiệp tiểu thuyết của ông khởi đầu với việc ấn hành cuốn Rồng ở biển (The Dragon in the Sea) vào năm 1955. Cuốn sách đã tiên báo những cuộc xung đột trên toàn cầu trong việc tiêu thụ và sản xuất dầu lửa. Cuốn sách được giới phê bình khen ngợi, nhưng không thành công lắm về mặt thương mại.
Herbert bắt đầu nghiên cứu để viết Xứ Cát vào năm 1959. Thời gian này, ông "chịu ơn" người vợ tâm đầu ý hợp và tận tụy của ông: nhờ bà có công việc toàn thời gian - viết quảng cáo - cho các cửa hàng, trở thành lao động chính nuôi gia đình trong suốt thập niên 1960, ông mới có thể dành phần lớn thời gian và tâm lực cho viết lách. Về sau, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Herbert cho biết ý tưởng về cuốn tiểu thuyết hình thành vào thời gian ông được tòa soạn giao viết một bài nói về những cồn cát ở Oregon Dunes gần Florence, bang Oregon, nhưng rốt cuộc ông đâm ra mê đắm vào đề tài đó và thu thập quá nhiều tư liệu so với mức cần thiết cho một bài báo. Bản thân bài này, với tựa đề "Người ta làm ngưng những đụn cát chuyển động" thì ông không hề viết, nhưng chính nó là hạt nhân cho những ý tưởng rồi ra sẽ dẫn tới Xứ Cát.
Herbert dành trọn mười năm nghiên cứu và viết mới hoàn thành Xứ Cát. Quá dài so với truyện khoa học giả tưởng "thị trường" thời đó, đầu tiên sách được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Analog, chia thành hai phần (Dune World, Thế giới Xứ Cát và Prophet of Dune, Nhà tiên tri Xứ Cát) vào năm 1963 và 1965. Tuy nhiên, khi Herbert nghĩ đến việc xuất bản thành sách, thử thách mà Xứ Cát phải vượt qua mới thật cam go: bị gần hai mươi nhà xuất bản từ chối trước khi cuối cùng có một nhà xuất bản nhỏ "liều" chấp nhận!